Thành phố Thủ Đức được thành lập vào cuối năm 2020 trên cơ sở sáp nhập 3 quận cũ là Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức có diện tích 211,56 km². Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM và được Ủy ban thường vụ Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập vào ngày 24/07/2020.
Với tỷ lệ tán thành 100%, Thành phố Thủ Đức được chính thức thành lập. Với quy mô diện tích lên đến 22.000ha, dân số ước tính lên đến 1.1 triệu dân, Thành phố mới này được quy hoạch và có định hướng trở thành đô thị sáng tạo, với trụ cột là khu công nghệ cao; Khu đại học quốc gia TP.HCM hay Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP Thủ Đức mang hi vọng sẽ trở thành một hạt nhân kinh tế vững mạnh của TP.HCM. Thúc đẩy sự phát triển của thành phố nói riêng mà của toàn vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Thông tin chính thức về Thành phố Thủ Đức
Thành phố Thủ Đức là thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình đơn vị hành chính Thành phố thuộc thành phố trục thuộc trung ương. TP Thủ Đức nằm ở cửa ngõ phía Đông Thành Phố Hồ Chí Minh, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch đến cách tỉnh Đông Nam Bộ. Ngoài ra tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội trên địa bàn thành phố đang trong quá trình hoàn thiện, sự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ cuối năm 2021. Hiện nay, TP Thủ Đức được lãnh đạo thành phố định hướng trở thành một đô thị thông minh, có chất lượng sống cao.
Sau khi sắp xếp và thành lập thành phố Thủ Đức, quy hoạch bao gồm 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, Thảo Điền, An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thủ Thiêm, Thạnh Mỹ Lợi, Hiệp Phú, Long Bình, Long Phước, Long Trường, Long Thạnh Mỹ, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Trường Thạnh, Tân Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú, Trường Thọ.
Các quận chính thức thuộc Thành phố Thủ Đức
Quận 2
Quận 2 nằm ở phía Đông thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 49,79 km² tiếp giáp với Quận 1, 7, Bình Thạnh. Quận 2 nổi bật với nhiều khu dân cư cao cấp như Thảo Điền, An Phú , cơ sở hạ tầng hiện đại cùng nhiều địa điểm vui chơi giải trí như: Vincom Mega Mall Thảo Điền, khu vui chơi Đảo Kim Cương, Công viên khu đô thị Sala.
Quận 9
Quận 9 nằm ở phía Đông cách trung tâm thành phố khoảng 13 km theo xa lộ Hà Nội tiếp giáp với Biên Hoà, Quận Thủ Đức, Quận 2 và Dĩ An Bình Dương, có diện tích 113,97 km².
Quy hoạch giao thông tại đây được phát triển đồng bộ, được kết nối xuyên suốt với đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và hàng không. Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây được đưa vào hoạt động vào năm 2014 càng hỗ trợ giao thông tại đây trở nên thuận lợi.
Quận 9 là nơi tập trung các tập đoàn hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp các tập đoàn điện tử lớn tại khu công nghệ cao cấp như tập đoàn Sam Sung, Intel,..
Hệ thống giáo dục, văn hoá, giải trí, các khu chức năng quan trọng cũng được hình thành như khu giáo dục đào tạo Đại học Long Phước, Khu đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Cảng Phú Hữu, khu du lịch Suối tiên và Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc.
Và để đảm bảo chỉ tiêu mật độ cây xanh tại đây, Quận 9 cũng tập trung xây dựng một số khu vực công viên sinh thái quy mô lớn tại Long Phước, Long Bình và Long Trường.
Quận Thủ Đức
Quận Thủ Đức nằm ở phía Đông Bắc TP Hồ Chí Minh diện tích 47,80 km² chia thành 12 phường. Trên địa bàn quận Thủ Đức có Ga Bình Triệu thuộc tuyến đường sắt Bắc Nam, làng đại học Thủ Đức, khu chế xuất Linh Trung, một phần phía tây nam quận được bao bọc bởi sông Sài Gòn.
Các địa điểm vui chơi giải trí nổi bật tại Thủ Đức có làng ẩm thực Thủ Đức, công viên nước, đường ẩm thực Thống Nhất, trung tâm thương mại Vincom Thủ Đức, trung tâm Thương Mại GigaMall,…
- Phía Bắc giáp: Thành phố Dĩ An, Thuận An tỉnh Bình Dương
- Phía Nam giáp: Quận Bình Thạnh, Gò Vấp
- Phía Đông giáp: Quận 9
- Phía Tây giáp: Quận 12
6 khu vực trọng điểm sẽ được xây dựng tại Thành phố Thủ Đức
Trung tâm công nghệ tài chính – Thủ Thiêm
Quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm có diện tích 647ha là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của Thành phố Hồ Chí Minh, với các chức năng chính, thương mại cao cấp của thành phố, khu vực có vị trí quốc tế là trung tâm giải trí.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được chia thành 8 khu chức năng. Mỗi khu chức năng có đặc điểm riêng về công năng sử dụng riêng, các không gian công cộng và công trình điểm nhấn.
Khu thể thao và sức khoẻ Rạch Chiếc
Khu vực này được quy hoạch định hướng là nơi kinh doanh thể thao và chăm sóc sức khỏe ở khu vực Đông Nam Á. Là khu vực nhấn mạnh tiềm năng của thành phố Hồ Chí Minh như một điểm đến quốc tế trong y học thể thao, các ngành nghề về thể thao,…
Hạ tầng kết nối giao thông liên vùng thuận tiện, trong đó có cảng hàng không, đường cao tốc, đường vành đai, metro…trở thành điểm đến sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thể thao giải trí của khu vực. Các khu vực phát triển tích hợp, đa năng ở gần đó càng tăng cường cơ hội phát triển khu vực này trở thành một cộng đồng toàn diện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khu công nghệ cao (SHTP) – Trung tâm sản xuất tự động hóa
Dựa trên năng lực sản xuất hiện có, khu công nghệ cao Tp.HCM được hình dung để thúc đẩy tương lai sản xuất và thiết kế sáng tạo. Đến nay, sau 17 năm thành lập và phát triển, khu công nghệ cao quận 9 có 156 dự án với tổng giá trị đầu tư lên đến 7,1 tỷ USD.
Hiện KCN cao Tp.HCM đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến đầu tư như Nidec (Nhật Bản) với số vốn 296 triệu USD, Samsung ( Hàn Quốc) với số vốn 2 tỷ USD, Intel ( Mỹ) 1,04 tỷ USD,…Tổ hợp nhà máy Samsung Electronics nằm bên đường Võ Chí Công, phường Tăng Nhơn Phú B, có diện tích 92 ha, được xây dựng từ năm 2015.
Khu trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục – Đại học Quốc gia
Khu Đại học Quốc gia Tp.HCM có quy mô hơn 643ha thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương), là nơi tập trung một quần thể giáo dục đào tạo, nhất là ngành công nghệ thông tin, và một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, từ đó mở rộng khả năng nghiên cứu và sáng tạo thông qua việc tăng sự hợp tác và cọ xát với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau.
Hiện tại ĐHQG TP.HCM có 7 đơn vị thành viên: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế – Luật và Viện Môi trường – tài nguyên. Ngoài ra còn có 26 đơn vị trực thuộc, với khoảng 55.000 sinh viên đang theo học. Trong khu ĐHQG TP.HCM hiện tại có thêm trường ĐH Thể dục thể thao nằm xen giữa và Trường ĐH An ninh nằm liền kề.
Trung tâm công nghệ sinh thái – Tam Đa
Khu vực được định hướng phát triển thành trung tâm công nghệ sinh thái để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực, nông nghiệp công nghệ cao…
Đây cũng là một trong 3 khu vực mới đây được Tp.HCM đề xuất quy hoạch lại để thu hút đầu tư. Tổng diện tích khu vực được đề xuất quy hoạch lại là 25ha. Khu đất hiện trạng đang là quỹ đất an ninh quốc phòng quân sự thuộc đồ án quy hoạch khu dân cư Tam Đa, phường Trường Thọ và Trường Thạnh thuộc Quận 9, đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2015. Khu đất này có vị trí tiếp giáp với các kênh rạch, sông và đường Tam Đa hiện hữu.
Đô thị tương lai – Trường Thọ
Với mục đích trở thành đô thị công nghệ phía Đông của Tp.HCM với ý tưởng độc đáo và có có tính cách mạng nhất về công nghệ. Tích hợp công nghệ vào vào đời sống thường nhật và phòng trưng bày đô thị của tương lai. Cụm này thúc đẩy việc tái phát triển một cảng ven sông lỗi thời (cảng Trường Thọ) như một địa điểm lý tưởng cho dự án thành phố thông minh.
Cơ sở hạ tầng linh hoạt và đáp ứng, các hình thức di động và giao tiếp mới, công nghệ xây dựng thích ứng và lĩnh vực công cộng truyền dữ liệu với trọng tâm là đổi mới trong nghệ thuật và giải trí là đặc điểm nổi bật của quận.