“Ngũ hành” không có gì xa lạ đối với người Á Đông cũng như Việt Nam chúng ta. Ngũ hành tương sinh tương khắc có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều mặt của cuộc sống từ xa xưa đến nay như gia đình, hôn nhân, kiến trúc, y học, hội họa… Hiểu được kiến thức về ngũ hành sẽ giúp chúng ta gặp nhiều thuận lợi, may mắn khi áp dụng đúng cách nhất. Hãy cùng tìm hiểu về ngũ hành bạn nhé!
Ngũ hành là gì?
Theo triết học Trung Hoa cổ đại, vạn vật trên Trái Đất đều sinh ra từ năm nguyên tố cơ bản là Kim (金), Mộc (木), Thủy (水), Hỏa (火), Thổ (土). Đây cũng là năm trạng thái của mọi vật, được gọi chung là Ngũ hành. Ngũ hành không phải có một nghĩa đen như tên gọi của chúng, mà còn là cách quy ước để xem xét, nghiên cứu về mối quan hệ và tương tác qua lại, tương sinh tương khắc của vạn vật.
Học thuyết Ngũ hành diễn giải mối quan hệ vạn vật qua hai nguyên lý là Tương sinh và Tương khắc. Cụ thể quy luật Ngũ hành tương sinh tương khắc như thế nào ta cùng qua phần tiếp theo nhé.
Quy luật Ngũ hành tương sinh tương khắc
Trong phong thủy, mọi sự biến hóa, quan hệ ảnh hưởng qua lại của vạn vật được biểu thị qua quy luật Ngũ hành tương sinh tương khắc. Cụ thể như sau:
Luật tương sinh
Ngũ hành tương sinh tức là năm yếu tố Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ – từng cặp hỗ trợ nhau phát triển, giúp xúc tiến, hình thành và nương tựa nhau. Quan hệ này luôn được thể hiện qua hai phương diện là mẫu và tử, tức mỗi yếu tố đều có cái sinh ra nó và có cái nó sinh ra.
- Kim sinh Thủy: Kim loại khi nấu chảy ra sẽ ở thể lỏng. Ngoài ra kim loại còn giúp mang nước (ống dẫn, xô đựng…)
- Thủy sinh Mộc: Nước giúp nuôi và duy trì sự sống của cây cối.
- Mộc sinh Hỏa: Cây khô lấy củi để đốt lửa.
- Hỏa sinh Thổ: Lửa giúp biến mọi thứ thành tro, vun đắp và bổ sung các chất thành đất.
- Thổ sinh Kim: Lòng đất hình thành nên các quặng kim loại.
Luật tương khắc
Ngũ hành tương khắc là từng cặp nguyên tố áp chế lẫn nhau. Mỗi hành sẽ làm tan chảy, phân tách, dập tắt, hấp thụ, phá hủy hành khắc của nó. Sự tương khắc của ngũ hành giúp duy trì cân bằng cho vạn vật, nhưng nếu thái quá thì sẽ biến hóa bất thường. Quan hệ tương khắc cũng gồm hai phương diện là cái khắc nó và cái nó khắc.
- Kim khắc Mộc: Kim loại được làm công cụ để tác động vào gỗ (chặt, cưa, khoan, đóng đinh).
- Mộc khắc Thổ: Cây hút dinh dưỡng của đất, xuyên thủng đất đá.
- Thổ khắc Thủy: Đất hút nước, ngăn chặn hoặc tác động đến dòng chảy của nước.
- Thủy khắc Hỏa: Nước dập tắt lửa.
- Hỏa khắc Kim: Lửa nung chảy kim loại.
Mỗi hành đều tác động lên hành khác và chịu tác động của các hành còn lại. Khi ngũ hành cân bằng thì môi trường sẽ trở lên lý tưởng. Ngũ hành tương sinh và tương khắc không bao giờ tồn tại độc lập mà luôn song song với nhau. Tương khắc sẽ luôn có mầm mống của tương sinh và tương sinh sẽ luôn có mầm mống của tương khắc.
Nếu không có tương khắc, vạn vật sẽ phát triển một cách quá đà, không kiểm soát, sinh nhiều tác hại khôn lường. Tương sinh ngũ hành không tồn tại, vạn vật sẽ hủy diệt lẫn nhau, cái mới sẽ không bao giờ được sinh ra và phát triển. Ngũ hành tương sinh tương khắc cân bằng sẽ duy trì vạn vật tồn tại và phát triển thịnh vượng.
Vừa rồi là các kiến thức phong thủy ngũ hành cơ bản giúp bạn hiểu được quy luật tương sinh tương khắc của các hành. Nắm được thuyết ngũ hành sẽ giúp bạn cân bằng hài hòa các yếu tố trong cuộc sống, bố trí sắp xếp vạn vật tốt hơn. Ngoài ra thông hiểu ngũ hành còn giúp bạn kiểm soát được mọi khía cạnh về phong thủy như phong thủy nhà ở, phong thủy chữ ký… giúp đem lại thịnh vượng và đại cát cho bản mệnh của mình.